Ngành phân bón đang ở trạng thái bão hòa, các DN trong nước phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu, có khả năng các nhà máy mới chưa thể hoạt động hết công suất trong thời gian đầu.
Cung tăng, giá giảm
Giá đầu vào ở mức thấp giúp cải thiện biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón khiến lĩnh vực này được các doanh nghiệp kỳ vọng hưởng lợi từ việc thay đổi chính sách thuế của Nhà nước. Tuy nhiên, trước mắt các DN đang đứng trước nỗi lo giảm giá.
Do nguồn cung phân bón thế giới tiếp tục tăng lên cộng với việc nhiều nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, giá phân bón năm 2016 sẽ giảm khoảng 2-5% so với năm 2015, trong đó giá phốt pho giảm mạnh nhất 5%, các loại phân bón khác giảm khoảng 2%.
Năm 2016, sản lượng sản xuất phân bón trong nước tăng mạnh do việc đi vào hoạt động của các nhà máy mới. Đối với mặt hàng phân ure, từ khi Nhà máy đạm Hà Bắc hoàn thành đã nâng công suất từ 180 nghìn tấn/năm lên 500 nghìn tấn/năm vào tháng 6/2015 khiến tổng công suất sản xuất ure của Việt Nam tăng 2.340 nghìn tấn/năm lên 2.660 nghìn tấn/năm, tăng 14%.
Ở phân khúc DAP, Nhà máy DAP Lào Cai công suất 330 nghìn tấn/năm hoàn tất công tác chạy thử, chính thức đi vào sản xuất từ ngày 1/7/2015 giúp nguồn cung DAP trong nước tăng gấp đôi.
Cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu?
Xu hướng giảm của giá dầu có thể sẽ tiếp tục trong năm 2016, điều này khiến giá khí bán cho đạm tính trực tiếp trên giá dầu sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp.
Bên cạnh đó, chính sách thuế có thể có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Hiệp hội phân bón đã có kiến nghị lên Chính phủ đề nghị đưa mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế suất GTGT bằng 0%. Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón có cơ hội được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, giúp giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp này.
Nhằm mục đích khuyến khích và bảo hộ các doanh nghiệp sản xuất trong nước, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất tăng thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc đối với phân bón DAP từ 3% lên 6%.
Mặc dù phải cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, nhưng các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước còn nắm giữ lợi thế về tỷ giá. USD/VND tăng lên sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm phâm bón trong nước.
Việc Fed tăng lãi suất và sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ khiến đồng USD tăng mạnh và tỷ giá USD/VND chắc chắn sẽ tăng lên trong năm 2016. Điều này giúp giá bán của các sản phẩm phân bón trong nước có thể cạnh tranh bán phân bón nhập khẩu.
Các DN sản xuất phân bón đang niêm yết cổ phiếu trên TTCK như DPM, LAS, BFC đang đứng trước nhiều thách thức và cơ hội trong năm 2016.
3 doanh nghiệp này đại diện cho 3 thị phần khác nhau đối với các mặt hàng phân bón và đều có những thuận lợi cũng như thách thức trong năm 2016.
Trong đó, Tổng CTCP Phân bón và hóa chất Dầu khí (DPM) được xác định là sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc giá dầu suy giảm, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Dẫn đầu thị trường phân lân là CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS), sản lượng tiêu thụ 2016 được kỳ vọng sẽ ổn định trong khi biên lợi nhuận gộp của LAS sẽ được cải thiện khi giá lưu huỳnh tiếp tục suy giảm.
Trong khi đó, CTCP Phân bón Bình Điền (BFC) lại đang kỳ vọng sẽ trở thành nhà sản xuất phân bón NPK lớn nhất tại Việt Nam. Để hiện thực hóa tham vọng này, BFC đã đưa vào hoạt động Nhà máy NPK Bình Điền – Mê Kông có công suất 100 nghìn tấn/năm trong quý 3/2015 và Nhà máy NPK Bình Điền- Ninh Bình có công suất ban đầu 200 nghìn tấn/năm cũng được đưa vào hoạt động từ ngày 21/10/2015, giúp tổng công suất của BFC nâng từ 675 nghìn tấn/năm lên 975 nghìn tấn/năm.
Tuy nhiên, theo công ty chứng khoán BIDV (BSC), trong bối cảnh ngành phân bón đang ở trạng thái bão hòa, các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu thì có khả năng các nhà máy mới chưa thể hoạt động hết công suất trong thời gian đầu.