23
06
Tại các tỉnh phía Bắc, ốc bươu vàng tiếp tục gây hại trên lúa tại các khu vực gần ao hồ, sông suối, khu đồng trũng trường xuyên ngập nước chưa áp dụng các biện pháp phòng trừ.
Ốc bươu vàng hại lúa
1. Trên lúa
a) Các tỉnh phía Bắc:
- Bệnh đạo ôn: Tiếp tục phát sinh gây hại tăng trên lúa trà sớm, giai đoạn đẻ nhánh rộ đến đứng cái, chủ yếu trên các giống nhiễm (Xi 23, IR 1820, X21, BC 15, NX 30, BC 15, AC 5…), mức độ gây hại nhẹ đến trung bình, có khả năng hại nặng cục bộ (gây cháy chòm) trên những chân đất cát pha, thịt nhẹ ven sông ven biển, vùng bán sơn địa và những ruộng bón phân không cân đối, bón thừa đạm tại các tỉnh Bắc Trung bộ và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng.
- Chuột: Tiếp tục phát sinh gây hại có xu hướng tăng trên diện mới gieo, lúa cấy giai đoạn đẻ nhánh, hại nặng cục bộ tại các vùng ven làng, gò bãi, vùng chưa tổ chức phòng trừ.
- Tuyến trùng rễ: Tiếp tục phát sinh gây hại trên lúa sạ và lúa cấy, hại nặng tại các chân ruộng thiếu nước tại một số tỉnh Bắc Trung bộ. Gia tăng cả về tỷ lệ và phạm vi gây hại.
- Ốc bươu vàng: Tiếp tục gây hại trên lúa tại các khu vực gần ao hồ, sông suối, khu đồng trũng trường xuyên ngập nước chưa áp dụng các biện pháp phòng trừ. Cần tập trung chăm sóc mạ, lúa mới cấy, tiếp tục phòng chống chuột đầu vụ và theo dõi sâu cuốn lá, ốc bươu vàng, rầy các loại, tuyến trùng, nghẹt rễ.
b) Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên: Bệnh đạo ôn lá, cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột, sâu cuốn lá nhỏ... phát sinh và gia tăng gây hại trên lúa sớm và chính vụ đẻ nhánh, làm đòng. Các đối tượng khô vằn, lem thối hạt, sâu đục thân, đốm nâu, sâu năn phát sinh rải rác hại cục bộ.
c) Các tỉnh Nam bộ:
- Bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm tiếp tục giảm do lúa hiện trên đồng đang tập trung ở giai đoạn đòng trỗ - chín, nhưng trên lúa giai đoạn đẻ nhánh phát sinh, gây hại cục bộ. Các trà lúa sắp trỗ cần lưu ý phòng ngừa tốt bệnh đạo ôn cổ bông.
- Rầy nâu trên đồng phổ biến tuổi 2 - 4 tiếp tục phát triển, cần chú ý các trà lúa cuối đẻ nhánh đến đòng trỗ có thể nhiễm với mật số trung bình đến cao.
- Ngoài ra, cần lưu ý bệnh bạc lá trên các trà lúa đòng - trỗ; chuột giai đoạn vào chắc đến chín. Các đối tượng khác xuất hiện và gây hại thấp.
2. Trên cây trồng khác:
- Bệnh đốm lá, rệp, sâu cắn lá, đục thân, bắp, ngô; sâu xanh, sâu tơ, bọ nhảy trên rau tiếp tục phát sinh, gây hại với mức độ nhẹ - trung bình.
- Rau họ hoa thập tự: Bọ nhảy, sâu xanh, sâu khoang, bệnh sương mai, bệnh thối nhũn tiếp tục hại; sâu tơ, rệp hại tăng; bệnh đốm vòng hại nhẹ.
- Cây mía: Sâu đục thân mía 4 vạch đầu nâu ở tỉnh Tây Ninh diện tích nhiễm 246 ha (phổ biến là nhiễm nhẹ) trên mía đang thu hoạch.
- Cây sắn: Bệnh chổi rồng tỷ lệ hại trung bình 4,8%, cao lên đến 20% số cây. Tổng diện tích nhiễm 466 ha, tập trung chủ yếu tại Sơn La, Quảng Ngãi, Phú Yên. Rệp sáp bột hồng gây hại tại Đồng Nai, mức hại thấp. Diện tích nhiễm 10,6 ha, giảm 2,02 ha so với kỳ trước.
- Cây hồ tiêu: Tuyến trùng rễ, tổng diện tích nhiễm 2.428 ha, nhiễm nặng 8 ha tại Gia Lai, Phú Yên, Quảng Trị. Bệnh chết nhanh + chết chậm, tổng diện tích nhiễm 1.489 ha, nhiễm nặng 24 ha tại Gia Lai, Khánh Hòa, Phú Yên.
- Cây cà phê: Bệnh khô cành hại 8.132 ha, nhiễm nhẹ - trung bình 7.993 ha, nặng 237 ha tại Tây Nguyên, Quảng Trị. Rệp vảy nâu + vảy xanh nhiễm nhẹ đến trung bình 2.470 ha tại Tây Nguyên.
- Cây thanh long: Nhiễm 5.576 ha bệnh đốm nâu (trong đó 5.376 ha nhiễm nhẹ đến trung bình và 200 ha nhiễm nặng) tại các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang.
- Cây ăn quả có múi: Bệnh greening hại cục bộ, diện tích nhiễm 8.494 ha (trong đó diện tích nhiễm nặng là 3.552 ha, diện tích nhiễm nhẹ đến trung bình là 4.942 ha) tại các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Yên Bái, Hà Tĩnh.
- Bệnh chổi rồng nhãn: Diện tích nhiễm 12.550 ha, trong đó nhiễm nhẹ đến trung bình 8.036 ha; nhiễm nặng 4.514 ha tại Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh.
- Sâu róm thông: Mật độ trung bình 15 - 20 con/cây, cao 150 - 400 con/cây. Tổng diện tích nhiễm 498 ha tại Quảng Bình, Sơn La.