Trước thực trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường hiện nay, văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công thương, Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) vừa phát động chương trình “Phân bón giả - Tác hại thật”. Chương trình này được triển khai rộng rãi trên quy mô toàn quốc, kéo dài 6 tháng tới đây.
Đẩy mạnh phong trào chống phân bón giả
Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia Dương Xuân Sinh cho biết, trọng tâm của chương trình nhằm thúc đẩy, nhân rộng phong trào phòng chống phân bón giả, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân và người tiêu dùng; thành phần liên quan về việc sử dụng phân bón chất lượng và tránh xa phân bón giả; đưa ra biện pháp phòng chống phân bón giả, phân bón kém chất lượng; bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp chân chính...
Theo ông Đỗ Thanh Lam (Phó Cục trưởng QLTT - Bộ Công thương), tại Việt Nam mỗi năm lực lượng QLTT phát hiện hơn 3.000 vụ vi phạm về phân bón giả, kém chất lượng. Riêng năm 2015 cơ quan chức năng đã tịch thu hàng nghìn tấn phân giả, kém chất lượng. Tháng 3/2016, QLTT đã tăng cường lấy mẫu ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong số 46 mẫu phân bón thì có tới 13 mẫu (28%) không đạt yêu cầu, điều này cho thấy tình trạng phân bón giả, kém chất lượng là đáng báo động. Sắp tới, cơ quan QLTT sẽ rà soát cơ chế chính sách, tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm, trong đó nâng cao đạo đức công vụ, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công thương.
Tìm hiểu nguyên nhân
Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết phân bón giả đã gây thiệt hại tới 2 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế. Nguy hại hơn, nạn phân bón giả, kém chất lượng đã và đang gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp, môi trường, người nông dân và uy tín của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.
Cả nước hiện có 30.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón với 6.000 loại phân bón khác nhau. Do có quá nhiều loại phân bón lẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc quản lý chất lượng rất khó khăn.
Việc một đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón phải có 2 giấy phép và chịu sự quản lý của 2 bộ đã gây nhiều khó khăn về thủ tục hành chính. Đã có sự chồng chéo trong cơ chế quản lý thị trường phân bón như: Phân vô cơ thì do Bộ Công thương quản lý, còn phân hữu cơ thuộc về phía Bộ NN-PTNT. Nhiều công ty chuyên ngành nông nghiệp có ý kiến đề nghị nhà nước xét lại việc quản lý mặt hàng phân bón giữa 2 Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT để có sự thống nhất cao về công tác quản lý thị trường phân bón hiện nay.
Ngoài ra, những hạn chế của lực lượng Quản lý thị trường như: Nguồn lực, lực lượng “mỏng”, mức phạt hành chính thấp chưa đủ sức răn đe... cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng ngày càng phát triển.