Xử lý DN nợ BHXH theo luật mới: Vẫn trong tình trạng lúng túng (kỳ cuối)

Người lao động làm thủ tục đăng ký giải quyết quyền lợi BHXH.

Cơ quan BHXH sẽ không còn chức năng khởi kiện và quyền khởi kiện này sẽ được chuyển giao cho tổ chức CĐ. Cơ quan BHXH sẽ được quyền thanh tra chuyên ngành về việc đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp… Thế nhưng đến thời điểm này, tất cả đều trong tình trạng lúng túng, trong khi đó nợ BHXH ngày một tăng, quyền lợi NLĐ vẫn đang bị xâm phạm.  

Ai bảo vệ quyền lợi NLĐ ở giai đoạn chuyển giao?

Theo Công văn 105 của TAND Tối cao hướng dẫn về việc thi hành Luật BHXH, yêu cầu TAND các cấp và các đơn vị thuộc TAND Tối cao, kể từ ngày Luật BHXH có hiệu lực thi hành (ngày 1.1.2016), không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động. Đối với những vụ án đã thụ lý trước ngày 1.1.2016 mà chưa giải quyết, tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn người khởi kiện thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH và Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 

Khi Tòa Tối cao ra công văn 105, tại TPHCM, TAND các quận, huyện ở TPHCM đình chỉ 1.194 đơn khởi kiện của cơ quan BHXH với số tiền nợ chưa thu hồi được là 210 tỉ đồng. Và đến nay, số nợ vẫn đang tiếp tục tăng lên, cả nước số nợ BHXH tính đến quý I/2016 là hơn 9,5 ngàn tỉ đồng. Như vậy, vấn đề đặt ra khi cơ quan BHXH không được khởi kiện, tổ chức CĐ chưa có kinh nghiệm trong việc khởi kiện DN nợ BHXH thì những vụ kiện này sẽ được giải quyết ra sao để bảo vệ quyền lợi 
cho NLĐ?

 

Tại hội nghị tập huấn “kỹ năng tham gia tố tụng các vụ án lao động” do LĐLĐ TPHCM tổ chức cho cán bộ CĐ các cấp mới đây, nhiều ý kiến đã bày tỏ lo lắng và băn khoăn khi không biết sẽ bắt đầu như thế nào với một vụ kiện đòi BHXH!

Ông Nguyễn Thành Đô - Chủ tịch CĐ KCN-KCX TPHCM - đặt câu hỏi: “Khi tòa án quận, huyện quyết định đình chỉ các vụ án do cơ quan BHXH kiện đòi DN nợ BHXH đã nghĩ đến quyền lợi của hàng trăm ngàn NLĐ chưa? Trong khi thời điểm cơ quan BHXH nộp đơn khởi kiện, tòa án thụ lý thì mọi vấn đề đều hoàn toàn phù hợp pháp luật”.

Bao giờ thanh tra BHXH mới vào cuộc?

Năm 2016, có nhiều công cụ xử lý và biện pháp xử lý DN nợ, trốn đóng BHXH hơn khi theo Luật BHXH, cơ quan BHXH được phép tranh tra chuyên ngành về những đơn vị đã đóng BH và chưa đóng BH. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 21/2016/NĐ-CP quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT của cơ quan BHXH. Theo đó, chức năng thanh tra chuyên ngành của cơ quan BHXH tập trung vào 3 nội dung: Đối tượng đóng, mức đóng và phương thức đóng.

Việc bổ sung chức năng thanh tra cho cơ quan BHXH được xem là bước tăng cường công tác giám sát việc thực hiện chính sách BHXH. Trước đó, lĩnh vực thanh tra BHXH, BHYT, BHTN thuộc về ngành LĐTBXH. Tuy nhiên, đội ngũ thanh tra của ngành LĐTBXH rất mỏng với hơn 500 người, thực hiện nhiều nhiệm vụ thanh tra khác của ngành. Ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn (LĐLĐ TPHCM) - lo ngại rằng: Trước đây, thanh tra lao động xử phạt DN nợ BHXH, cơ quan kiện DN nợ BHXH ra tòa mà DN vẫn còn không ngán cho nên theo ông Triều, để thanh tra chuyên ngành BHXH phát huy được tác dụng thì rất cần thiết phải có sự phối hợp giữa các ngành.

Theo ông Nguyễn Đăng Tiến - Phó Giám đốc BHXH TPHCM - thì hiện nay dù có Nghị định 21/2016/NĐ-CP của Chính phủ, cơ quan BHXH vẫn chưa thể tiến hành thanh tra việc đóng, nộp BHXH trên địa bàn ngay được vì còn phải chờ thông tư. Sau thông tư cần phải có hướng dẫn của BHXH Việt Nam thì BHXH các địa phương mới thực hiện được!

“Trong lúc các cơ quan lúng túng thì quyền lợi về BHXH như các chế độ ốm đau, thai sản của hàng trăm ngàn NLĐ vẫn bị treo vì DN nợ BHXH ngày càng tăng” - ông Trần Văn Triều băn khoăn.