Phân DAP& hiệu quả sử dụng

PHÂN DAP LÀ GÌ?
 
DAP là viết tắt của cụm từ hóa học Di amôn phốt phát có công thức (NH4)2HPO4. DAP được SX từ quặng Apatit, Amoniac và a xít. Đây là loại phân có 2 thành phần, 18% đạm và 46% lân. Nếu chỉ xét về hàm lượng của lân dễ tiêu thì 1 kg DAP có giá trị bằng 2,8 kg supe lân hoặc lân nung chảy.
 
Điều đặc biệt, DAP là loại phân trung tính và tất cả lân trong DAP đều tan nhanh trong nước nên cây rất dễ hấp thu, mang lại hiệu quả rõ rệt và có thể bón lót cũng như bón thúc cho tất cả các loại cây trồng trên tất cả các chân đất khác nhau. DAP trước đây chỉ được nông dân ĐBSCL ưa chuộng với nhu cầu khoảng 300.000 tấn/năm.
 
Theo nông dân trồng lúa, việc sử dụng DAP bón vào 2 giai đoạn 7-10 ngày sau sạ và 20-25 ngày sau sạ thì lúa đẻ nhánh tốt hơn, chồi mập hơn và mã lúa có màu xanh bền. Hiệu quả của DAP đặc biệt rõ ở vụ HT, khi đất vừa thu hoạch xong đã xuống giống ngay không có thời gian nghỉ.
 
Nhờ các ưu điểm trên mà thị trường DAP đã lan rộng ra cả nước với nhu cầu lên tới 750.000-900.000 tấn/năm. Trước đây 100% phân DAP đều phải nhập khẩu với giá khá cao, nhưng từ đầu năm 2012 đến nay có thêm DAP Đình Vũ ở Hải Phòng.
 
Tuy là loại phân có hàm lượng cao, dễ tiêu rất tốt cho cây nhưng DAP cũng như các loại phân lân khác là lượng cây hút được không cao.
 
Theo kết quả thực nghiệm tại Viện Lúa ĐBSCL, hiệu quả sử dụng phân lân của cây lúa thường chỉ đạt 20-30% do khi bón vào ruộng, nhất là trên ruộng bị nhiễm phèn, thì một lượng lớn lân bị biến thành dạng khó tiêu do các Cation có trong đất như Al +++, Fe +++, Ca ++, Mg++ nên cây không thể hấp thu được.
 
Ngoài ra các hydro xít như hydro xít nhôm Al(OH)3, hydro xít sắt Fe (OH)2 cũng sẽ gây lân kết tủa.
 
Theo NongNghiep.vn