Nhức nhối chất cấm trong chăn nuôi

Không chỉ vùng Đông Nam Bộ hay TP HCM, ngay tại Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng phát hiện rất nhiều chất cấm trong chăn nuôi

 

Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát đưa ra tại hội nghị trực tuyến về triển khai đợt cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp từ nay đến Tết Nguyên đán, tổ chức ngày 19-10. Hội nghị có sự tham gia chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Nguy hại không thua ma túy!

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, thông tin sử dụng chất cấm (dùng để tăng trọng, tạo nạc) nghe nhiều ở vùng Đông Nam Bộ, TP HCM nhưng kết quả xét nghiệm gần đây cho thấy Hà Nội và các địa phương lân cận cũng phát hiện tràn lan. Điều này chứng tỏ không có địa phương nào an toàn với chất cấm nên cần phải tổ chức lấy mẫu thường xuyên.

Tuy nhiên, theo ông Cao Đức Phát, việc lấy nước tiểu vật nuôi để tìm chất cấm, xử lý người nuôi chỉ là chữa phần ngọn. Muốn giải quyết căn cơ tình trạng này, phải triệt phá các đường dây buôn lậu, mua bán chất cấm.

Tỉ lệ thịt heo bị ô nhiễm vi sinh hiện nay còn cao
Tỉ lệ thịt heo bị ô nhiễm vi sinh hiện nay còn cao

Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Bộ NN-PTNT và Bộ Công an cần tăng cường phối hợp phòng chống mua bán chất cấm trong chăn nuôi, xử lý nghiêm đầu nậu mua bán chất này như tội phạm buôn bán ma túy vì dùng chất cấm trong chăn nuôi thì tội ác không kém gì ma túy.

Đồng thời, ông cũng đề nghị Bộ Y tế quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu Albuterol (thường gọi Salbutamol - thuốc trị hen suyễn và là chất cấm trongthức ăn chăn nuôi) để tránh tình trạng tuồn chất này ra ngoài, bán trôi nổi.

“Theo tôi biết, Việt Nam đã cho nhập khẩu tới 68 tấn Albuterol, trong khi lượng thuốc dùng cho người rất ít. Tương tự là kháng sinh, cũng có tình trạng các công ty dược, thú y tuồn ra ngoài để người nuôi (gia súc, gia cầm, thủy sản) trộn vào thức ăn chăn nuôi với mục đích phòng bệnh và kích thích tăng trưởng. Điều đó khiến cho dư lượng trong hải sản và thịt lớn, người ăn vào dẫn đến tình trạng lờn kháng sinh, ngành y tế chữa bệnh rất khó” - Bộ trưởng lo ngại.

Đại diện Bộ Y tế lại cho rằng việc quản lý và nhập khẩu, sản xuất, buôn bán Salbutamol và các kháng sinh đều rất ngặt nghèo. Vị đại diện này còn đưa ra lý lẽ là kháng sinh dùng cho người rất đắt nên người chăn nuôi sẽ sử dụng kháng sinh trong thú y. Do vậy, trách nhiệm quản lý thuộc... ngành NN-PTNT.

Xây dựng nền nông sản sạch

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các bộ không nên “căng thẳng” mà cần cùng nhau giải quyết vấn đề từ gốc. Phó Thủ tướng kêu gọi sự vào cuộc của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ vì 2 tổ chức hội này sát với cơ sở nhất. Lực lượng công an có vào cuộc nhiều khi cũng phải dựa vào thông tin của các hội.

Phó Thủ tướng lưu ý việc Bộ NN-PTNT đưa ra các chất cụ thể bị phát hiện vi phạm nhiều là Salbutamol, vàng ô (Vat Yellow) và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau. Vì vậy, cần tuyên truyền cho nông dân hiểu, sau đó sẽ tiến hành xử phạt nếu cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT phải tập trung phát triển các mô hình cung ứng rau, thịt sạch để hướng tới một nền nông sản sạch cho nhân dân tiêu dùng và xuất khẩu.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Như Tiệp, Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản, trong 9 tháng đầu năm 2015, ngành nông nghiệp đã xử phạt gần 1.200 trường hợp vi phạm, tổng số tiền gần 22 tỉ đồng. Trong đó, đáng chú ý đã phát hiện và tiêu hủy 20 kg chất bột màu trắng không nhãn mác, nghi ngờ là thuốc tăng trọng Salbutamol và 13,3 kg hóa chất vàng ô trộn trong thức ăn chăn nuôi để tạo màu vàng cho gà.

Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT đã mở đợt cao điểm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên phạm vi toàn quốc, thời gian từ tháng 10-2015 đến hết 2-2016 (sau Tết Nguyên đán Bính Thân). Trong đợt này, các đối tượng nhắm đến là thịt heo, thịt gà (các chất Sabultamo và Vat Yellow, Salmonella); rau quả (tồn dư thuốc bảo vệ thực vật); tôm, cá nuôi (hóa chất, kháng sinh).

Bài và ảnh: NGỌC ÁNH